Từ trước tới nay, việc phát hiện ra tổ mối ở các con đê vẫn được thực hiện bằng mắt thường là chủ yếu. Mùa mưa bão cũng là thời gian tổ mối đùn lên nhiều nhất dễ phát hiện nhất. Do đó, việc phát hiện và diệt trừ ngay lập tức tổ mối và con mối trong những tháng mưa bão tồn tại nhiều hạn chế bất cập. Thông thường, hàng năm vào mùa mưa lũ các địa phương đều phải tìm kiếm phát hiện các tổ mối ở mặt đê và mái đê. Nhưng việc động chạm đào đê, xử lý tổ mối là điều không nên làm trong mùa mưa lũ. Nhưng để ngăn chặn tổ mối, bảo vệ các con đê an toàn, đủ sức chống chịu trong mùa bão lũ, không còn cách nào khác là phải đào đê và mở rộng tổ mối đê bắt được mối chúa. Sau khi bắt được mối chúa, xử lý bằng hóa chất, đê sẽ được đắp hoàn trả lại. Tuy nhiên, nếu gặp thời tiết bất thường, mưa gió có thể sẽ làm mất an toàn và trở thành mối nguy cho những đoạn đê.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tìm, xác định được tổ mối vào những thời gian không phải là mùa mưa bão để xử lý trước, hạn chế mối nguy hiểm cho đê. Trong quá trình dò tìm, phát hiện tổ mối, ngoài nhìn bằng mắt thường thì việc dùng ra đa để xác định tổ mối một cách chính xác là rất quan trọng. Việc sử dụng máy ra đa không chỉ đưa ra thông số về kết cấu tổ mối chính xác mà còn mang lại nhiều hiệu quả thiết thực khác. KS . Nguyễn Văn Lộc cho biết, việc sử dụng ra đa sẽ xác định được chính xác vị trí tổ mối, giảm thiểu các lỗ khoan trên thân đê và tiết kiệm được lượng thuốc trong khi xử lý.
Bởi thực tế đặc thù kết cấu các tổ mối có nhiều khoang khác nhau nên mỗi khi xử lý phải khoan từ 4-5 lỗ khoan thì khi đổ chế phẩm sinh học vào mới có thể ngấm đều toàn bộ tổ mối. Tuỳ từng kích cỡ tổ mối mà sử dụng các mũi khoan cho phù hợp. Có tổ mối khoang chính chỉ 40 cm nhưng quy mô kích thước toàn tổ có thể lên đến hơn 5 m.
Trong trường hợp này, người diệt mối có thể tính toán được việc sử dụng mũi khoan kích thước hơn 1 m mới có thể mang lại hiệu quả diệt trừ. Sau khi khoan các lỗ xong, chế phẩm sinh học sẽ được đổ trực tiếp vào trong các lỗ khoan. Sau khoảng 4-5 ngày, khi các chế phẩm đã ngấm vào đất, tiêu diệt các con mối xong, các tổ mối và mũi khoan sẽ được hàn bằng đất sét hòa trộn với nước để bịt hoàn toàn. Theo tính toán, với việc sử dụng chế phẩm sinh học và phương pháp diệt trừ như thế này, mối sẽ bị diệt trừ hoàn toàn và việc hàn lấp tổ mối đạt hiệu quả cao.
Trước kia, để xử lý mỗi tổ mối ở trên đê cần phải sử dụng hơn 2 kg hóa chất nhưng nay, với chế phẩm sinh học mới chỉ cần khoảng 2 lít. Ông Nguyễn Tấn Vương - Phó giám đốc Trung tâm cho biết, bản thân các chế phẩm sinh học là các nấm ký sinh trên mối, dần hút dinh dưỡng con mối và tiết một số chất độc làm mối chết. Do được tạo từ nấm ký sinh trùng nên chế phẩm an toàn, không làm ô nhiễm môi trường. Thực chất, đây chính là loài ký sinh trên các côn trùng. Chế phẩm này cũng không gây hại đối với những loài côn trùng có lợi khác vì chỉ xử lý trong đất.
Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là hạn chế đào bới mặt và thân đê khi tìm mối. Do đó không làm phá vỡ các kết cấu của thân đê nên nền và thân đê ổn định vững chắc. Gần 100 tổ mối tại tuyến đê tả sông Thái Bình đã được diệt hoàn toàn bằng phương pháp này với chế phẩm sinh học Metavina 80LS. Nó đã mang lại giá trị hiệu quả cao cho việc diệt trừ mối, bảo vệ mỗi con đê trước sóng gió. Hàng vạn tuyến đê xung yếu trên cả nước đang bị mối mọt đe dọa. Diệt trừ mối, bảo vệ những con đê an toàn bằng khoan và chế phẩm sinh học sẽ hạn chế những rủi ro thiệt hại khi mùa mưa bão đã đến.